Kem chống nắng: Tất tật từ A-Z những kiến thức bạn cần biết

Kem chống nắng_Kiến thức từ A-Z

Bạn đã thực sự hiểu chỉ số SPF là gì?
PA là gì? – Nó có giống với SPF không?
Tại sao kem chống nắng có thể dùng thay thế kem lót khi trang điểm?
Thêm nữa…
Có bao nhiêu loại sản phẩm chống nắng?
Tại sao da bạn vẫn đen sạm đi mặc dù bạn đã bôi kem chống nắng?
Chính xác là bạn cần sử dụng loại kem chống nắng nào?
Đâu là dấu hiệu của một loại kem chống nắng tốt?

Cùng mình đi tìm câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên trong bài viết này nhé!

Đừng vội vàng lướt qua vì có một số điều sẽ làm bạn phải bất ngờ đấy.

1 – Kem chống nắng là gì?

Đây chính là sản phẩm chăm sóc da giúp ngăn không cho ánh nắng mặt trời làm tổn hại đến làn da. Cơ chế chống nắng là hấp thụ hoặc phản chiếu tia tử ngoại từ ánh mặt trời. 

Kem chống nắng có nhiều dạng bào chế. Trong đó phổ biến là dạng xịt, gel bôi, hoặc dạng kem… Một số thương hiệu mỹ phẩm cũng sản xuất kem bôi chống tia UV dành riêng cho trẻ nhỏ. Dòng sản phẩm này có thành phần lành tính, dịu nhẹ. 

Ánh sáng mặt trời chứa rất nhiều tia tử ngoại có hại cho da
Kem chống nắng bảo vệ da khỏi các tia có hại từ ánh nắng

Làn da của mỗi người đều có khả năng chống UV tự nhiên chính là melanin. Làn da có màu càng sẫm, lượng melanin càng nhiều. Đồng nghĩa với việc khả năng chống UV tốt hơn.

Tuy vậy, để cho da tự chống nắng tự nhiên thôi là chưa đủ, bạn vẫn cần sử dụng thêm biện pháp chống nắng bổ sung. Các chuyên gia da liễu khuyên rằng, bạn nên sử dụng kem chống nắng hàng ngày để da được bảo vệ tối đa. 

2 – Tìm hiểu về ánh nắng 

Thành phần của ánh sáng Mặt trời gồm các tia bức xạ có bước sóng khác nhau, được chia thành tia hồng ngoại, ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy và tia cực tím.  

2.1 – Tác động của ánh nắng mặt trời đến làn da

Mỗi ngày, làn da của chúng ta đều phải tiếp xúc với ánh nắng. Nguồn sáng tự nhiên cung cấp năng lượng cũng như giúp duy trì sự sống trên trái đất. Chúng giúp kéo dài quá trình quang hợp, sản sinh vitamin D cho con người. 

Bên cạnh những lợi ích mang lại, trong ánh nắng mặt trời vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động không tốt đến sức khỏe, đặc biệt là làn da của chúng ta. 

Trong thành phần của ánh nắng có chứa tia cực tím với khả năng gây hại cho làn da, làm tăng nguy cơ gây ung thư da và các bệnh lý về da khác.

Tia cực tím (Ultraviolet -UV) là tên gọi của một dải bức xạ có bước sóng ngắn nằm ngoài khoảng ánh sáng nhìn thấy được của mắt người.

Các tia bức xạ UV này dễ dàng xuyên qua lớp bảo vệ tự nhiên của da và tác động sâu đến các tế bào da bên trong, truyền năng lượng làm tăng nhiệt độ của tế bào, làm cho da bị cháy nắng, bỏng rát.

Hơn thế nữa, tia UV còn có khả năng tác động vào cấu trúc protein của tế bào da, gây ra nguy cơ sạm nám da, tăng nhanh lão hóa da, u sắc tố, nặng hơn có thể gây ung thư da.

Da Bị Cháy Nắng Phải Xử Lý Thế Nào? Xem bài viết này ngay!

2.2 – Thành phần tia UV

Có thể chia Tia UV thành 3 dạng, cụ thể gồm:

Tia UVA:

Có bước sóng 320-400 nm, chúng xâm nhập sâu vào lớp biểu bì của da làm lớp đáy của biểu bì bị tổn hại. Sắc tố melanin tăng cao gây nám, sạm và các vết thâm. UVA còn khiến cho khả năng miễn dịch của da suy giảm. Tia này phá hủy cấu trúc da, gây nên sự hình thành nếp nhăn, mụn, tàn nhang, nám sạm…

Một điều đáng lo ngại về tia UVA là chúng có khả năng xuyên qua lớp quần áo hay cửa kính một các dễ dàng. Do đó việc bảo vệ da khỏi loại tia này gặp nhiều khó khăn. 

Tia UVB: 

UVB có bước sóng 280-320 nm. Lớp quần áo thông thường và cửa kính có thể ngăn chặn một phần tia này. Khoảng 10% tia UVB có thể xuyên qua lớp biểu bì, tác động đến da mạnh hơn UVA.  

Chúng khiến da khô, nẻ, cháy nắng, xuất hiện các vết sạm đen, đồi mồi… Nguyên nhân là do UVB tác động trực tiếp lên bề mặt da. Nếu thời gian tiếp xúc nhiều, da của bạn có thể bị sưng phù, đau nhức, có khả năng cao bị ung thư da. 

Tia UV - Tia cực tím có tác động xấu đến làn da, gây sạm nám da, lão hóa da, u sắc tố và ung thư da.
Khả năng tác động của tia cực tím đến làn da

Tia UVC:

UVC có bước sóng 100-280 nm. Tia sáng này có thể tiêu diệt acid nucleic ở trong tế bào, phá hoại ADN trong cơ thể sống. 

Đây là tia sáng có hại nhất với da, thậm chí đe dọa sự sống của con người. Tuy nhiên, tia này đã được lọc qua khí quyển nên gần như không tiếp xúc được với chúng ta. 

3 – Hiểu rõ về các chỉ số chống nắng

Có hai chỉ số quan trọng bạn cần nắm rõ khi lựa chọn kem chống nắng là SPF và PA. Có thể thấy rằng, ở tất cả những sản phẩm chống nắng đều có thông tin về SPF và PA cùng các con số khác nhau. 

3.1 – Chỉ số chống nắng SPF là gì?

SPF là viết tắt của Sun Protection Factor. SPF chống tia gì, đây là chỉ số đo lường khả năng chống tia UVB của sản phẩm kem chống nắng. SPF được đánh giá trên thang điểm từ 2 đến 100. 

Có nhiều nghiên cứu và giải thích về chỉ số SPF. Đơn giản nhất để hiểu thì SPF là số lần mà sản phẩm chống tia UVB có thể bảo vệ da so với khả năng tự chống nắng của da bạn.

Ví dụ, da bạn bắt đầu có biểu hiện cháy nắng sau 5 phút dưới ánh nắng mặt trời khi không dùng biện pháp chống nắng nào. Khi này, việc bôi kem chống nắng có SPF 30 sẽ bảo vệ bạn 30 lần nhân với 5 phút (tương đương 150 phút). 

Tuy nhiên mức độ bảo vệ này của chỉ số SPF có thể bị tác động bởi các yếu tố như:

  • Số lượng sản phẩm chống nắng bạn bôi trong 1 lần 
  • Điều kiện thời tiết
  • Đổ mồ hôi khiến lớp kem bôi bị trôi
  • Sử dụng kem chống nắng khi xuống nước, bơi lội
  • Tình trạng da của bạn   

Ngoài ra, chỉ số SPF còn thể hiện phần trăm ngăn chặn tia UVB của sản phẩm. Cụ thể rằng, trong điều kiện hoàn hảo, với SPF 15, sản phẩm có thể ngăn được 93% tia UVB. Với SPF 30 sản phẩm sẽ cản trở được khoảng 97% tia UVB. SPF 50 sẽ ngăn được 98% tia UVB, SPF 100 sẽ ngăn được 99% tia UVB.

Theo FDA Hoa Kỳ, các sản phẩm kem chống nắng tiêu chuẩn cần có mức SPF tối thiểu là từ 15 trở đi.

3.2 – Giải thích chỉ số PA là gì?

PA là viết tắt cho cụm từ tiếng Anh – Protection Grade of UVA. Đây là chỉ số đo khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tia UVA của kem chống nắng do Hiệp hội Mỹ phẩm Nhật Bản công bố. 

Chỉ số PA được thể hiện bằng các dấu + phía sau. Theo đó, các mức PA được chia thành:

  • PA+: Sản phẩm có khả năng chống lại tia UVA trong mức 40 – 50%
  • PA++: Kem chống được tia UVA tốt, ở mức 60 – 70%
  • PA+++: Sản phẩm chống tia UVA tốt, ở mức 90%
  • PA++++: Sản phẩm chống tia UVA rất cao, lên đến hơn 95%

Với một số sản phẩm, chỉ số PA có thể được thay thế bằng ký hiệu viết tắt như UVA-UVB, UVA/UVB, UVA1, UVA2 hoặc theo quy định riêng từng quốc gia thương hiệu.

Cách ghi các chỉ số chống nắng trên bao bì kem chống nắng
Các chỉ số chống tia UVA, UVB

Đặc biệt, với các sản phẩm chống nắng từ Anh, Mỹ, Châu Âu, bạn sẽ thấy nhãn hàng ký hiệu chỉ số chống tia UVA bằng dòng chữ “UVA protect”. Ngoài ra còn dòng chữ “Broad Spectrum” hoặc “Full Spectrum” mang ý nghĩa là “quang phổ rộng”. Chúng thể hiện sản phẩm có đủ điều kiện chống cả 2 tia UVA và UVB. 

3.3 – Chỉ số SPF và PA ở mức nào là đủ?

Khi lựa chọn kem chống nắng, đa phần người dùng thường có suy nghĩ chọn sản phẩm có SPF và PA cao sẽ tốt hơn. Tuy nhiên quan niệm trên không hoàn toàn chính xác. 

Theo cách cách tính chỉ số chống nắng thông thường thì chỉ số chống nắng cao tương đương với khả năng chống nắng nhiều hơn. Tuy nhiên với các sản phẩm có chỉ số SPF và PA quá cao chưa hẳn đã tốt hơn cho da bạn. 

Sản phẩm có SPF từ 75-100 có khả năng chống nắng cao hơn các sản phẩm có chỉ số thấp hơn nhưng không quá nhiều. Ngoài ra, lợi ích mang lại của các sản phẩm này lại không có gì nổi trội hơn. 

Kem chống nắng có SPF, PA cao tập trung vào việc chống tia UVB, UVA. Chúng thường có kết cấu đặc, lưu lâu trên da. Điều này khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc, làm giảm khả năng tự bảo vệ của da. Từ đó mà các vấn đề như kích ứng, lão hóa, mụn có thể xảy ra khi da bạn sử dụng kem chống nắng có các chỉ số quá cao. 

Các chuyên gia da liễu hàng đầu khuyên rằng, nếu da bạn không có vấn đề gì nghiêm trọng, chỉ nên sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF30-60. Sản phẩm chống nắng trên 60 đến 100 chỉ nên dùng cho vùng da đang điều trị, bị dị ứng ánh nắng hay đang laser tẩy nám…

Sản phẩm có chỉ số chống nắng thấp từ 15 đến 30 sẽ không mang lại hiệu quả quá cao. Nhưng chúng sẽ phù hợp với những bạn da quá nhạy cảm hay đang bị viêm, kích ứng. 

4 – Tác dụng của kem chống nắng

Công dụng của kem chống nắng được biết đến nhiều nhất là bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng. Tuy nhiên, các sản phẩm chống nắng hiện nay còn có thể tích hợp nhiều tác dụng. Chúng mang lại hiệu quả chăm sóc da mặt tốt. 

4.1 – Công dụng chống nắng 

Khi nhắc đến kem chống nắng, không thể bỏ qua hiệu quả bảo vệ da không bị tác động bởi tia cực tím. Làn da của bạn sẽ được hạn chế tối đa nguy cơ cháy nắng, đen sạm và lão hóa do thường xuyên phải làm việc, vận động dưới ánh nắng. 

Tác hại của tia cực tím (UV) là không thể lường trước
Kem chống nắng bảo vệ da trước tác hại của tia cực tím (UV)

4.2 – Chống ánh sáng xanh 

Ánh sáng xanh có trong một phần nhỏ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra chúng còn có thể phát ra ở các thiết bị điện tử, màn hình điện thoại hay máy tính. 

Loại ánh sáng này liên tục tác động lên da và cơ thể bạn. Tác động của chúng ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt của cơ thể chúng ta. Chúng gây ra hiện tượng khó ngủ, làm suy giảm thị giác. Từ đó cơ thể nhanh mệt mỏi, thiếu sức sống… 

Trong các loại kem chống nắng trên thị trường hiện nay, có một số sản phẩm đem lại tác dụng chống ánh sáng xanh. Nhờ đó việc bôi kem chống nắng mỗi ngày rất cần thiết cho cả dân văn phòng, người thường xuyên làm việc với thiết bị máy tính, điện thoại… 

Ánh sáng xanh xuyên sâu vào kết cấu da làm tăng sắc tố melanin
Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử

4.3 – Dưỡng ẩm, ngừa lão hóa da 

Trong thành phần của các loại kem chống nắng uy tín thường chứa dưỡng chất giúp cân bằng độ ẩm, nuôi dưỡng làn da. Theo đó, một sản phẩm chất lượng sẽ giúp da bạn mềm mịn, căng mọng cả ngày dài. 

Nhờ độ ẩm được cân bằng, da được bảo vệ khỏi tác động từ tia UV, tình trạng lão hóa sẽ được ngăn ngừa. Bôi kem chống nắng giúp hạn chế quá trình hình thành nếp nhăn, chảy xệ của da mặt. 

4.4 – Nâng tone da, giúp da trông sáng hơn

Đây là công dụng của đa số kem chống nắng hiện nay. Một số dòng sản phẩm có khả năng nâng tone da nhẹ nhàng. Do đó da bạn không chỉ được bảo vệ mà còn trông sáng hơn nữa đấy. 

4.5 – Ngừa ung thư da

Một công dụng tuyệt vời của kem chống nắng chính là khả năng ngừa ung thư da. Tia tử ngoại từ ánh nắng không chỉ khiến da nhanh lão hóa, đen sạm mà còn gây ra nhiều bệnh lý viêm da, ung thư da… 

Tế bào sừng bị tổn thương, rối loạn sắc tố da đe dọa đến sức khỏe và sắc đẹp của nữ giới. Do đó, bạn nên dùng kem chống nắng mỗi ngày. Bước này để bảo vệ da khỏi những bệnh da liễu nguy hiểm. 

Để biết bạn có dấu hiệu của bệnh ung thư da không, hãy xem ngay tại đây

5 – Các loại kem chống nắng 

Dựa trên tính chất mà kem chống nắng được chia thành 2 loại là kem chống nắng vật lý (physical sunscreen)kem chống nắng hóa học (chemical sunscreen). Ngoài ra, một số thương hiệu mỹ phẩm cũng đã nghiên cứu và cho ra đời kem chống nắng lai giữa vật lý và hóa học. Sản phẩm chắt lọc được những ưu điểm của cả 2 loại kem chống nắng truyền thống. 

5.1 – Kem chống nắng vật lý 

Kem chống nắng vật lý là kem chống nắng vô cơ có tác dụng phản xạ lại các tia UV từ ánh nắng, ngăn không cho tia UV xuyên qua da. Sản phẩm tạo thành một vỏ bọc bảo vệ, ngăn không cho các tia UV làm hại làn da bạn.

Thành phần chính thường có trong kem là Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Đây là hai thành phần chống nắng. Thông thường, chúng sẽ làm da trắng lên tông khi sử dụng. 

Ưu điểm:

  • Kem chống nắng vật lý thường lành tính, ít gây kích ứng cho da. Loại kem chống nắng dành cho da nhạy cảm thường là kem chống nắng vật lý. 
  • Kem thường phát huy tác dụng ngay sau khi bôi. Bạn không cần đợi kem thấm mà vẫn có thể ra đường và an tâm vì da đang được bảo vệ. 
  • Loại kem vật lý này được đánh giá cao về khả năng bảo vệ da toàn diện khỏi các tia có hại và bền vững dưới sự tác động của môi trường. 

Nhược điểm: 

  • Một số sản phẩm chống nắng vật lý thường làm da lên tông một cách trắng bệch, thiếu tự nhiên. 
  • Kết cấu sản phẩm thường đặc, dày, gây cảm giác nặng da khi thoa.
  • Lớp kem sau khi bôi lên da dễ bị trôi do mồ hôi hay khi hoạt động dưới nước…

5.2 – Kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng hóa học được điều chế từ thành phần hóa học. Cơ chế hoạt động của loại kem này không phải là phản xạ tia UV như kem chống nắng vật lý. Sản phẩm hoạt động như một miếng lọc UV. Kem chống nắng sẽ hấp thụ tia UV, chuyển hóa và xử lý chúng để chúng không còn khả năng gây hại cho da. 

Kem chống nắng hóa học có nhiều thành phần khác nhau. Mỗi thành phần sẽ đóng vai trò ngăn chặn một loại UVA hoặc UVB. Thông thường, trong sản phẩm chống nắng hóa học sẽ có thành phần chính như: Tinosorb, octylcrylene, avobenzone, oxybenzone…

Ưu điểm: 

  • Kem chống nắng hóa học có khả năng che phủ và bảo vệ cao cho da.
  • Sản phẩm có thể thay thế các loại kem lót trước khi bạn apply phấn nền hay các bước trang điểm trước khi ra đường. 
  • Kem chống nắng hóa học thường phù hợp cho các bạn da dầu nhiều. Bởi lẽ chúng không gây ra các vệt trắng, không gây bóng nhờn trên da.
  • Sản phẩm ít làm bít tắc lỗ chân lông, thuận tiện cho việc dùng hàng ngày. 

Nhược điểm:

  • Một số thành phần hóa học trong sản phẩm hóa học có thể gây kích ứng cho da 
  • Dưới những tác động từ môi trường, kem chống nắng hóa học dễ bị ảnh hưởng về công dụng. Do đó, thời gian chống nắng của sản phẩm có thể bị rút ngắn. Bạn cần thường xuyên bôi lại kem nếu hoạt động lâu ngoài trời. 
  • Bạn phải đợi từ 10-25 phút sau khi thoa tì kem mới bắt đầu phát huy tác dụng bảo vệ da. 
Cơ chế chống nắng của các loại kem chống nắng khác nhau
Chống nắng vật lý và chống nắng hóa học

5.3 – Lai giữa vật lý và hóa học 

Đây là sản phẩm kết hợp giữa hai loại kem chống nắng vật lý và hóa học. Thành phần của chúng chứa cả hoạt chất hóa học và khoáng chất cản UV vật  lý. Theo đó, loại kem chống nắng này sẽ phát huy được những ưu điểm. Đồng thời khắc phục những hạn chế của 2 sản phẩm truyền thống.

Những loại chống nắng “con lai” đa phần có độ quang phổ rộng, bảo vệ da toàn diện hơn. Cơ chế hoạt động của chúng là vừa tạo lớp màng bảo vệ da đồng thời giảm được những tác hại của tia UV lên da. 

Ưu điểm: 

  • Sản phẩm chống nắng lai vật lý, hóa học không tạo lớp màng trắng bệch trên da, có độ bền lâu dưới ánh nắng, thích hợp cho những bạn phải hoạt động lâu ngoài trời. 
  • Kết cấu sản phẩm mỏng nhẹ, nhanh thẩm thấu vào da, không làm bít tắc lỗ chân lông.
  • Sản phẩm còn mang lại công dụng dưỡng da, hạn chế việc gây kích ứng cho da nhạy cảm. 

Nhược điểm:

  • Một số sản phẩm chống nắng lai hóa học, vật lý trên thị trường chứa Tinosorb. Chất này khiến kem bôi lên da hơi bóng dầu. Nếu những bạn không thích da bị bóng có thể không phù hợp với loại này. 

5 – Lựa chọn kem chống nắng phù hợp với tình trạng da

Trên thị trường có rất nhiều loại kem chống nắng khác nhau. Bạn nên dựa trên tình trạng da của bản thân, nhu cầu chống nắng để chọn ra sản phẩm phù hợp nhất. Theo đó, dưới đây là một vài yếu tố giúp bạn chọn được sản phẩm phù hợp với tình trạng da. 

5.1 – Kem chống nắng cho da khô 

Với những làn da thiếu ẩm, dễ bị khô thì sản phẩm chống nắng phù hợp nên chứa nhiều dưỡng chất cấp ẩm. Làn da bạn không chỉ cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mà đồng thời phải được cân bằng độ ẩm. Từ đó da sẽ không bong tróc, nứt nẻ cả ngày dài. 

Da khô cũng dễ xuất hiện nếp nhăn, chảy xệ. Do đó các sản phẩm chống nắng đi kèm công dụng chống lão hóa cũng sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Bạn nên chọn sản phẩm có độ quang phổ rộng với chỉ số chống nắng từ SPF 30 trở lên. Chúng giúp bảo vệ da toàn diện, ngăn không cho ánh nắng làm trầm trọng hơn các vấn đề trên da. 

5.2 – Kem chống nắng cho da dầu 

Kem chống nắng cho da dầu nên có kết cấu mỏng nhẹ. Sản phẩm dạng sữa hoặc gel sẽ được ưu tiên hơn khi da bạn đổ nhiều dầu nhờn. Những sản phẩm thẩm thấu nhanh, không làm da bị bóng cũng được đánh giá là phù hợp. 

Khi lựa chọn kem bôi bảo vệ da, bạn nên ưu tiên những loại có bảng thành phần không chứa dầu (no-oil, no-sebum). Điều này nhằm đảm bảo da không bị bí khi bôi kem, hạn chế việc tăng tuyến bã nhờn. 

Với bạn da dầu có mụn, kem chống nắng có nhãn “Non-Comedogenic” (không gây bít tắc lỗ chân lông) sẽ hạn chế việc làm da lên mụn. Bạn cũng cần tránh xa sản phẩm có mùi hương hóa học, Oxybenzone và các thành phần dễ gây kích ứng. 

Chống nắng cho da dầu
Kem chống nắng cho da dầu nên có kết cấu mỏng nhẹ

5.3 – Kem chống nắng cho da nhạy cảm 

Da nhạy cảm dễ bị kích ứng với thành phần hóa học. Khi chọn sản phẩm chống nắng, bạn cần tránh những loại có thành phần chứa oxybenzone hay PABA… Những chất này thường xuất hiện trong kem chống nắng hóa học. 

Da nhạy cảm nên chọn kem chống nắng vật lý hoặc vật lý lai hóa học với thành phần không chứa các chất kích ứng. Bạn cũng nên chọn sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ, không làm da bị bức bí, khó chịu. Nghiên cứu kỹ bảng thành phần giúp bạn chọn cho mình sản phẩm chống nắng phù hợp nhất với da nhạy cảm. 

6 – Tiêu chí cho một sản phẩm chống nắng tốt

Các bác sĩ da liễu hàng đầu đều khuyên rằng bạn nên bôi kem chống nắng mỗi ngày. Tuy nhiên với vô số loại kem chống nắng có trên thị trường, nhiều người dùng còn loay hoay chưa chọn được sản phẩm thích hợp. Sau đây sẽ là những tiêu chí hàng đầu giúp bạn chọn được sản phẩm kem chống nắng tốt nhất.

6.1 – Kem chống nắng quang phổ rộng 

Kem chống nắng có độ quang phổ rộng là sản phẩm có thể bảo vệ da khỏi cả tia UVA, UVB và ánh sáng xanh. FDA Hoa kỳ có những quy định nghiêm ngặt về việc xác định khả năng ngăn tia UV để kiểm tra đâu là kem chống nắng phổ rộng. 

Với các sản phẩm đủ điều kiện, bạn có thể thấy bao bì của chúng có dán nhãn Broad-Spectrum. Đây là chứng nhận sản phẩm chống nắng phổ phổ rộng, có thể bảo vệ da bạn khỏi các tia có hại từ môi trường.

6.2 – Chống nước

Nếu bạn thường xuyên hoạt động ngoài trời khiến cơ thể dễ đổ mồ hôi hay tham gia hoạt động dưới nước như bơi lội, thì một sản phẩm kem chống nắng không trôi là điều cần thiết. 

Kem chống nắng chống nước là sản phẩm có thể phát huy khả năng bảo vệ da ngay cả trong môi trường nước. Mức độ SPF hiệu quả trong nước có thể là 40 phút hoặc lâu hơn. 

Tuy nhiên các loại sản phẩm này không thể chống nước hoàn toàn. Sau một khoảng thời gian nhất định, bạn vẫn cần thoa lại kem để da tiếp tục được bảo vệ. 

Những dòng sản phẩm có nhãn “waterproof” hoặc “water-resistant” là sản phẩm không thấm nước. Khi sử dụng các sản phẩm thuộc dòng chống nước, việc tẩy trang của bạn cuối ngày cần thực hiện tỉ mỉ và kỹ lưỡng hơn. 

6.3 – Thành phần lành tính, không kích ứng

Thành phần trong các loại kem chống nắng có thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung một sản phẩm chống nắng tốt nên có thành phần tự nhiên. 

Đối với kem chống nắng hay bất kỳ loại mỹ phẩm dưỡng da nào, bạn nên hình thành thói quen nghiên cứu bảng thành phần trước khi sử dụng. Bảng thành phần lành tính, giúp da bạn được bảo vệ tốt trước ánh nắng mặt trời. Điều này còn đồng thời làm giảm khả năng bị kích ứng hay bào mòn da do hóa chất. 

Một số thành phần nên tránh khi chọn sản phẩm chống nắng, bảo vệ da gồm có Oxybenzone, Octinoxate, Avobenzone hay Retinyl Palmitate… Vì chống nắng là bước bạn cần làm mỗi ngày, nên hãy ưu tiên chọn sản phẩm lành tính để bảo vệ da toàn diện nhất. 

Bất Ngờ Không? Trà Xanh Cũng Có Tác Dụng Chống Nắng Mà Lại Lành Tính Nhé!
Xem ngay bài viết này để biết thêm chi tiết

6.4 – Cảm giác khi bôi lên da

Cảm giác khi bôi kem lên da cũng là một trong những yếu tố để bạn chọn sản phẩm phù hợp cho bản thân. Kem chống nắng tốt sẽ thẩm thấu nhanh vào da, không làm da mặt bạn bị nặng hay quá bí bách. 

Thông thường, bạn cần bôi kem lên da và đợi ít nhất 20 phút để sản phẩm thấm rồi mới có thể ra đường. Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều sản phẩm kem chống nắng thẩm thấu nhanh. Bạn chỉ cần đợi 5-10 phút bạn đã có thể sẵn sàng ra đường. 

Kem chống nắng tốt sẽ thẩm thấu nhanh và không gây bức bí
Kem chống nắng khi bôi thẩm thấu nhanh, không làm da bức bí

6.5 – Chọn kem chống nắng cho từng vùng da 

Bạn cần sử dụng kem chống nắng phù hợp cho từng vùng da. Theo đó, có nhiều dòng sản phẩm dành riêng cho da mặt hoặc chỉ dùng riêng cho vùng da cơ thể.

Da mặt thường nhạy cảm hơn, do đó bạn không nên dùng kem chống nắng toàn thân cho mặt nếu da bạn dễ kích ứng. Trái lại, sản phẩm dùng cho da mặt vẫn có thể dùng cho cơ thể. 

7 – Hướng dẫn cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả cao

Dưới đây là hướng dẫn sử dụng các sản phẩm chống nắng đúng chuẩn. Cùng tham khảo để da bạn được bảo vệ tối ưu nhất. 

7.1 – Thứ tự sử dụng và thời điểm bôi lại 

Kem chống nắng cần được bôi lên da sau khi bạn đã hoàn tất các bước dưỡng da thông thường và trước khi bạn thực hiện những bước trang điểm tiếp theo. Kem chống nắng còn được dùng như một lớp lót trước bước thoa kem nền và phấn phủ. 

Kem chống nắng cần được bôi mỗi sáng trước khi bạn ra khỏi nhà. Sau khoảng 2-3 tiếng, bạn nên bôi lại kem. Thời gian này có thể phụ thuộc vào chỉ số chống nắng của sản phẩm, điều kiện thời tiết hay tình trạng da, đổ mồ hôi của ban. 

7.2 – Liều lượng sử dụng 

Bạn nên biết rằng chỉ số SPF được in trên kem chống nắng sẽ chính xác nhất nếu mỗi một centimet vuông bề mặt da được thoa 2 miligam sản phẩm. 

Theo đó, da mặt của chúng ta rộng trung bình 600 centimet vuông và cần khoảng 1,2gr sản phẩm. Đối với vùng da cơ thể, lượng kem cần bôi có thể lên đến 20-30gr. 

Bôi kem chống nắng quá ít, không che phủ được hết bề mặt da. Hơn nữa còn sẽ khiến sản phẩm khó phát huy tốt công dụng. Ngược lại nếu bôi quá nhiều, kem sẽ bết dính trên da. Kem lâu thấm và làm da bị nặng, bức bí…

Bạn cũng cần thoa kem để bảo vệ cả phần cổ, gáy, tay, chân… Đây là những vị trí tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng nhưng lại dễ bị bỏ quên. 

7.3 – Cách bôi 

Với các sản phẩm chống tia UV vật lý thông thường, bạn cần thoa kem tối thiểu 20 phút trước khi ra ngoài. Nếu là kem chống nắng vật lý lai hóa học hoặc, hóa học, thời gian có thể rút ngắn còn 5-10 phút hoặc hơn. 

Tuy vật, thực tế chỉ ra rằng, việc bôi kem và đợi lớp kem thấm hoàn toàn vào da giúp da hấp thụ hết được các dưỡng chất. Khi này kem bôi chống tia UV đã tạo được trên da lớp bảo vệ toàn diện và vững chắc. 

Để cho lượng kem bôi lên thẩm thấu tốt nhất, bạn không nên miết mạnh. Ngược lại, hãy chấm đề kem lên vùng da mặt, vỗ nhẹ nhàng để kem thấm được hoàn toàn. 

Không nên miết mạnh khi bôi kem chống nắng
Không nên miết mạnh khi bôi kem chống nắng

8 – Giải đáp các câu hỏi thường gặp về việc chống nắng 

Dù đã trở thành bước dưỡng da quen thuộc, nhưng chắc hẳn bạn vẫn còn nhiều thắc mắc về sản phẩm chăm sóc và bảo vệ da này. 

8.1 – Chọn kem chống nắng cho trẻ nhỏ

Làn da trẻ nhỏ cũng cần được bảo vệ trước ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, da của các bé thường nhạy cảm và non nớt. Do đó bạn nên sử dụng sản phẩm dành riêng cho trẻ em. Các loại kem bảo vệ da khỏi ánh nắng cho trẻ em thường có thành phần lành tính. Kết cấu kem thường mỏng nhẹ.

Với trẻ trên 1 tuổi, sản phẩm chống nắng chứa bộ lọc vô cơ như kẽm oxit và titanium dioxide được cho là phù hợp. Những loại sản phẩm bảo vệ da này thường ít gây kích ứng, Chúng vẫn cản trở được cả tia UVA và UVB. 

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi lựa chọn sản phẩm chống nắng cho bé. Phụ huynh cũng nên chọn sản phẩm không có mùi nồng nặc, tránh gây kích ứng cho trẻ. 

Sản phẩm chống nắng, bảo vệ da dành riêng cho trẻ nhỏ thường lành tính. Với người lớn có da nhạy cảm, hoàn toàn có thể tận dụng sản phẩm này để bôi mặt. Trái lại, bạn không nên bôi cho bé các loại chống nắng dành cho người lớn, không được dán nhãn dành riêng cho trẻ. 

8.2 – Vì sao da vẫn đen đi dù đã dùng kem chống nắng?

Nhiều bạn sử dụng kem chống nắng nhưng da vẫn trở nên sẫm màu hơn. Điều này xảy ra do một số lý do như:

  • Bạn bôi không đủ liều lượng kem lên da, khiến sản phẩm mất đi tác dụng.
  • Bạn quên chống nắng vào những ngày trời âm u. Nên nhớ rằng, không chỉ khi trời nắng gắt, mà cả khi trời mưa, nhiều mây, các tia cực tím vẫn tồn tại trong môi trường và làm hại cho da của bạn. 
  • Bạn bôi kem chống nắng nhưng vẫn bỏ qua các yếu tố che chắn da như áo chống nắng, mũ, nón, kính mát…
  • Sau một ngày dài bôi sản phẩm chống nắng, bạn quên không làm sạch da. Do đó lớp mỹ phẩm này lẫn với bụi bẩn, tạp chất làm da bị xỉn màu. 

8.3 – Có cần tẩy trang sau khi bôi kem chống nắng không?

Nhiều bạn vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng, chỉ khi trang điểm mới cần tẩy trang. Tuy nhiên kể cả khi bạn chỉ bôi mỗi một lớp kem bảo vệ da trong ngày, việc tẩy trang vẫn luôn là cần thiết. 

Lớp kem đọng trên da cả một ngày dài sẽ lẫn với bụi bặm, bã nhờn từ lỗ chân lông. Nếu không được làm sạch, chúng sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trên da bạn. 

Bởi vậy, hãy tẩy trang sau khi về nhà, để làn da được thông thoáng và giúp cho kem chống nắng không phản tác dụng làm tổn thương da của bạn nhé!

Luôn tẩy trang sau khi sử dụng bất kỳ mỹ phẩm nào
Tẩy trang sau một ngày dài bôi kem chống nắng

9. Tạm kết

Hiểu rõ về kem chống nắng nói riêng và các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da nói chung sẽ giúp bạn gìn giữ làn da của mình luôn luôn khỏe mạnh.

Sử dụng kem chống nắng để chống tia UV cùng các biện pháp bảo vệ da khi ra ngoài giúp da bạn được bảo vệ toàn diện. 

Hãy lựa chọn sản phẩm kem chống nắng phù hợp nhất và bôi lên da đúng cách. Nhờ đó sản phẩm sẽ phát huy công dụng hiệu quả. 

Nguồn tham khảo:
https://www.who.int/news-room/q-a-detail/radiation-sun-protection
https://www.fda.gov/drugs/understanding-over-counter-medicines/sunscreen-how-help-protect-your-skin-sun#types
https://www.wellandgood.com/blue-light-skin-care/
https://www.skincancer.org/skin-cancer-prevention/sun-protection/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 120 MB. You can upload: image, audio, video, document, spreadsheet, interactive, other. Links to YouTube, Facebook, Twitter and other services inserted in the comment text will be automatically embedded. Drop file here